Văn Cao

Wiki Media
Văn Cao (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Hải Phòng – mất ngày 10 tháng 7 năm 1995) là một nhạc sĩ, họa sĩ,[3][4][5] nhà thơ,[6][7][8][9] chiến sĩ biệt động ái quốc[1][10][11][12] người Việt Nam. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca, quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng thời ông cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Giới thiệu

Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai và Trương Chi. Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao chủ yếu viết về nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội,... vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến. Sau sự kiện Nhân văn – Giai phẩm, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Trừ Tiến quân ca, tất cả những ca khúc của ông cũng giống như các nhạc phẩm tiền chiến khác không được lưu hành ở miền Bắc. Đến cuối thập niên 1980, những nhạc phẩm này mới được lưu hành trở lại.

Được nhiều người xem là một hình mẫu thiên tài trong lịch sử văn nghệ Việt Nam,[1][13][14] tài năng nghệ thuật đa dạng mang tính tổng hợp cao giữa văn chương (thi ca) - âm nhạc - hội họa của Văn Cao đã sớm có những thành tựu đột khởi ngay từ độ tuổi mười tám đôi mươi.[15][16][17] Không được đào tạo một cách thực sự chính quy, chuyên sâu cả về âm nhạc và hội họa, những thành tựu của Văn Cao trong hai lĩnh vực này có thể nói là bắt nguồn chủ yếu từ thiên năng nghệ thuật sẵn có của ông (nói theo lời của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì "Văn Cao là trời cho"). Ông được nhiều người xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam – ở nơi "dòng chảy" của sáng tạo cá nhân một con người có sự "hợp lưu" xuyên suốt của ba nhánh nhạc-họa-thơ trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông. Nhận định về sự nghiệp văn nghệ của Văn Cao, nhiều người thường nhắc đến ông như một nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những "địa hạt" (lĩnh vực) nghệ thuật khác nhau. Dù không gắn bó liên tục quá lâu với một địa hạt nào trong số đó nhưng đối với những "miền" nào ông đã bước qua thì Văn Cao cũng đều lưu dấu không ít sáng tạo mang tính khai phá - mở lối dành cho những người đến sau ông. Như nhạc sĩ Phạm Duy sinh thời đã nhiều lần xác nhận, sự nghiệp sáng tác của ông chịu một ảnh hưởng lớn từ những khai mở (về chuyên môn) và khích lệ (về tinh thần) từ Văn Cao, với tư cách là một người bạn văn nghệ tri kỷ của Phạm Duy. Nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam hiện đại Thụy Khuê cũng lưu ý về thế giới nghệ thuật phong phú đa diện của Văn Cao, tưởng như khó gặp sự trùng lặp hay vay mượn ý tưởng lẫn nhau giữa hai địa hạt rất gần là âm nhạc và thơ ca: "Nếu nhạc của Văn Cao đưa con người vào cõi mộng, thì thơ Văn Cao xoáy vào thực tại cuộc đời: phần đời thực với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Những người trên cửa biển và phần nội tâm sâu xé của con người mất tự do, trong các bài thơ ngắn, cô đọng và đau thương, như những giọt nước mắt không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền... Cúi xuống những lầm than của kiếp người, Văn Cao là người duy nhất để lại những hình ảnh kinh hoàng của trận đói tháng 3 năm Ất Dậu. Nếu không có Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, thì chúng ta không thể hình dung cảnh xe xác lăn trong xóm cô đầu của một Hà Nội..."[18]

Dù những sáng tác của Văn Cao (đặc biệt là về âm nhạc và thơ ca) nói chung không thực dồi dào về số lượng nhưng về mặt chất lượng chúng có ảnh hưởng mang tính định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Một số ví dụ điển hình là vai trò đặc biệt quan trọng của ông trong sự định hình của thể loại tình ca, hùng ca (trong đó nổi bật là dòng nhạc cách mạng) và trường ca trong âm nhạc cũng như thể loại trường ca trong thơ hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên những đóng góp về thơ ca và hội họa của Văn Cao vì nhiều lý do khác nhau mà ít được nhắc tới hơn rất nhiều so với những thành tựu trong âm nhạc của ông. Là một người tài hoa vào loại bậc nhất trong lịch sử văn nghệ Việt Nam, nhưng ngay từ thời còn niên thiếu ở Hải Phòng ông đã là một người có thiên hướng khép kín, trầm tư, ít bộc lộ bản thân trước đám đông. Sau biến cố Nhân văn – Giai phẩm cuối thập niên 1950, ông lại càng có xu hướng sống khép kín và cô độc hơn mặc dù luôn có gia đình (đặc biệt là vợ ông) và một số bạn văn nghệ thân quen làm chỗ dựa cho đến những năm cuối đời. Khác với quan niệm truyền thống xưa nay về tài tử và giai nhân, cuộc đời của Văn Cao ít có những tiếp xúc mang tính lãng mạn với phái nữ vì như ông từng bộc bạch trong một cuốn phim tài liệu về mình rằng, "Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi." Lê Thiếu Nhơn trong một bài viết đăng trên báo Báo Công an nhân dân có tổng kết: "Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ 20 nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc. Những ngày tháng Văn Cao đã sống, cứ đổ cái bóng gầy hắt hiu và trắc ẩn vào lòng công chúng, mà những bài hát của ông không lý giải được, những bức tranh của ông cũng không lý giải được. Chỉ còn lại thơ, xoa dịu và tỏ bày giùm Văn Cao."[6]

Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh.[19] Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định,...

​​​​​​Cuộc đời

Văn Cao là một người Hải Phòng. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Quê ông bà của ông ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng[20]. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc[21].

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi[20]. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như "Gió núi", "Gò Đống Đa", "Anh em khá cầm tay". Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", được coi là bài thơ đầu tay[21].

Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền - và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy[22]. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm". Đặc biệt tác phẩm "Cuộc khiêu vũ những người tự tử" ("Le Bal aux suicidés") được đánh giá cao và gây chấn động dư luận[21]. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.

Hoạt động cách mạng

Tham gia Việt Minh

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đặt tên cho tác phẩm là "Tiến quân ca". "Tiến quân ca" được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[23].

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao động.

Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của công an Liên khu và viết báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tại đây ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật chống sự tràn sang của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng khi thua trận[20]. Ở Lào Cai, Văn Cao còn mở một quán bar để làm địa điểm theo dõi.[24] Tháng 3 năm 1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như "Làng tôi" (1947), "Ngày mùa" (1948), "Tiến về Hà Nội" (1949)... và đặc biệt là "Trường ca Sông Lô" năm 1947.

Năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ thành một lập đội vũ trang, nhiệm vụ của đội chủ yếu làm công tác ám sát và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng do Văn Cao làm đội trưởng với tên gọi Đội danh dự Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh được thành lập vào cuối tháng 12/1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền.[11] Những đội viên trong đội đều do Văn Cao tuyển chọn. Đa số là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

Đội danh dự Việt Minh của Văn Cao hoạt động rất hiệu quả ở Hà Nội và Hải Phòng. Nhiều cơ sở của Việt Minh tại Hà Nội và Hải Phòng bị lộ, nhiều cán bộ Việt Minh bị Nhật bắt đều do những người hợp tác với Nhật chỉ điểm. Để ngăn chặn tối đa những tổn thất, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ: viết thư cảnh cáo, gặp trực tiếp răn đe… Văn Cao cùng đồng đội đã khống chế, vô hiệu hóa và cảm hóa được nhiều người chỉ điểm. Trong đó, có hai vụ do chính Văn Cao thực hiện.

Võ Văn Cầm cầm đầu tổ chức Thanh niên Đại Việt, có trụ sở đóng tại phố Nhà thờ. Cầm thường xuyên tập hợp cấp dưới cùng hiến binh Nhật vây bắt các cơ sở Việt Minh. Mặc dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, nhưng Cầm vẫn tiếp tục hoạt động.

Đầu tháng 4/1945, Văn Cao được giao nhiệm vụ ám sát Võ Văn Cầm. Do tính chất quan trọng, ông Lê Trọng Nghĩa (được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về phụ trách đảng Dân chủ) điều đồng chí Phạm Văn Mẫn (sau này là Đại tá, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an) về hỗ trợ.

Võ Văn Cầm có một cô vợ bé ở chợ Mơ. Mỗi lần về thăm vợ, ông ta thường đi xe kéo, còn Ba Mai làm bảo vệ đạp xe đi cùng. Tuyến đường đi của ông ta từ trụ sở qua Hàng Trống về Bà Triệu đến Nguyễn Du rẽ lên Phố Huế rồi về chợ Mơ. Theo kế hoạch, Mẫn bám theo Cầm từ trụ sở, một đồng đội của Văn Cao là Đ.H.I đón ở góc phố Bà Triệu. Khi Cầm đi qua Đ.H.I cũng bám theo, còn Văn Cao sẽ đợi trước cửa hàng thuốc Phố Huế gần chợ Hôm.

Khi nhận được tín hiệu của Mẫn, Văn Cao sẽ tiến lên trực tiếp bắn Cầm. Mẫn và Đ.H.I có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ Văn Cao rút lui. Tuy nhiên đã xảy ra một bất ngờ mà Văn Cao không lường trước được. Đ.H.I mới được Văn Cao đưa vào hoạt động nên khi cùng Mẫn bám theo Cầm đến đầu chợ Hôm, do muốn lập công, Đ.H.I đã tự ý vượt lên rút khẩu Browning bắn Cầm khiến Mẫn không kịp trở tay. Đ.H.I bắn trượt, Cầm hoảng sợ chui xuống gầm xe. Đ.H.I đạp xe chạy. Ba Mai rút súng định đuổi theo bắn Đ.H.I nhưng Mẫn đã rút súng bắn chết Ba Mai.

Đỗ Đức Phin nguyên là giáo viên, giỏi tiếng Nhật nên thường mở lớp dạy tiếng Nhật tại nhà. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Đức Phin ra làm thông ngôn cho Nhật.

Cuối tháng 6/1945, được Phin chỉ điểm, Nhật tổ chức một chiến dịch truy quét các cơ sở cách mạng trong thành phố. Hàng loạt các cán bộ cách mạng bị bắt. Trần Liễn, một người bạn và là đồng đội của Văn Cao chạy thoát lên Hà Nội báo cáo tình hình ở Hải Phòng cho Văn Cao biết và đề nghị Văn Cao về Hải Phòng trừ khử Đỗ Đức Phin. Văn Cao giao nhiệm vụ cho Trần Liễn về Hải Phòng tổ chức theo dõi quy luật của Đỗ Đức Phin. Được phép của cấp trên, Văn Cao xuống Hải Phòng. Trước khi vào thành phố, Văn Cao vào một cơ sở cách mạng trong làng Do Nha, hóa trang thành một ông lão, mượn xe đạp vào thành phố.

Ông về nhà Doãn Tòng ở Lạc Viên là nơi ông vẫn thường lui tới mỗi khi về Hải Phòng. Tại đây những người bạn cũng là đồng đội của Văn Cao đều đã có mặt. Trần Liễn báo cáo cho Văn Cao về địa điểm Đỗ Đức Phin thường lui tới hàng ngày. Đó là một tiệm hút thuốc phiện tại góc phố Phan Bội Châu, gần Vườn hoa đưa người. Văn Cao lên kế hoạch hành động và phân công việc cụ thể cho từng người.

Hôm sau đến giờ hành động, Doãn Tòng lấy xe đạp đèo Văn Cao đến hết đường Cát Cụt, Văn Cao xuống xe bảo Doãn Tòng trở về. Văn Cao lách cửa vào, bình tĩnh lên gác. Đứng đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phin nằm hút thuốc sát tường trên sập, mặt hướng ra cửa. Văn Cao rút khẩu Colt.45 tiến vào tuyên bố xử tử Đỗ Đức Phin và bóp cò nhưng súng bị kẹt đạn. Ông bình tĩnh giắt khẩu Colt.45 vào thắt lưng rồi móc túi áo măngtô rút khẩu Browning bắn 2 phát đạn găm vào ngực Đỗ Đức Phin. Bắn xong, Văn Cao bình tĩnh xuống gác lách cửa ra, nhảy lên xe đạp hòa vào dòng người đi ra thành phố.

Mấy ngày sau Quốc khánh năm 1945, theo chỉ thị của trên, Văn Cao bàn giao lại vũ khí, Đội danh dự Việt Minh giải thể. Văn Cao lại trở về với công việc làm báo.

Tham gia lực lượng Công an

Tháng 12 năm 1946, Lê Giản - Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại quán cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai và đề nghị: "Tình hình Lào Cai hiện nay rất phức tạp, bọn Quốc dân đảng cấu kết với thổ phỉ chống phá chúng ta công khai, trong khi lực lượng ta lại yếu. Mình muốn cậu sang giúp ngành Công an. Cậu sẽ phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu 10. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sĩ, chỉ có cậu mới đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này".

Tháng 3 năm 1947, Văn Cao cùng vợ lên Lào Cai. Một địa điểm gần chợ Cốc Lếu được Văn Cao chọn làm cơ sở hoạt động của Đội điều tra. Văn Cao mở quán cà phê ca nhạc lấy tên là quán Biên Thùy và giao cho ông Minh - một cán bộ của ngành Công an do ông Lê Giản điều lên cộng tác giúp ông làm quản lý.

Tại đây, Văn Cao có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và kết nghĩa với Vua Mèo Hoàng A Tưởng. Trung tuần tháng 7 năm 1947, lễ kết nghĩa được tổ chức long trọng tại dinh thự của Hoàng A Tưởng. Bên phía Văn Cao có Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sĩ của quán Biên Thùy tham dự. Hoàng A Tưởng và toàn thể gia đình họ hàng cùng rất đông bạn bè, quan khách. Bằng uy tín của mình, Văn Cao đã giác ngộ các thổ ty hiểu thêm về chính sách đoàn kết các dân tộc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Theo lời khuyên của Văn Cao, Hoàng A Tưởng, Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Đèo Văn Long có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Để động viên tinh thần, Hồ Chủ tịch gửi thư khen, mời họ lên thăm chiến khu và gặp Bác. Hồ Chủ tịch đã tặng mỗi người một thanh kiếm và giao cho Hoàng A Tưởng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lào Cai, đồng thời cử Ngô Minh Loan làm đặc phái viên của Chính phủ trực tiếp làm việc cùng Hoàng A Tưởng.

Tháng 8 năm 1947, Văn Cao hoàn thành nhiệm vụ, Đội điều tra giải tán và bàn giao lại công việc cho ông Lê Giản. Lê Giản muốn giữ Văn Cao ở lại công tác cho ngành Công an. Văn Cao từ chối và nói: "Công việc này không thích hợp với tôi".[25]

Hoạt động nghệ thuật

Âm nhạc

So với hai nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy khoảng 1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều. Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa...Ông còn sáng tác nhạc phim như "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội cụ Hồ của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...

Tình ca

Nhạc thời tiền chiến

Bìa bản nhạc Bến Xuân do nhà Tinh Hoa tái bản lần thứ ba, năm 1954

Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi. Sau Buồn tàn thu, ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu cô liêu và Suối mơ. Trong đó Suối mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất[31]. Bản Trương Chi nổi tiếng sau là Trương Chi 2[32].

Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân là Cung đàn xưa và Bến xuân. Nhạc phẩm Bến xuân có sự tham gia của Phạm Duy, nhưng về sau Văn Cao viết lại lời mới cho ca khúc này và đặt tên Đàn chim Việt. Ngay từ những ca khúc đầu tiên, Văn Cao đã giành được thành công. Buồn tàn thu được biểu diễn trên các sân khấu hát rong và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1944-1945, lúc tân nhạc còn mới phôi thai nên trở nên phổ biến. Suối mơ, Bến xuân được Phạm Duy đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam[33].

Nhưng hai tình khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả là Thiên Thai và Trương Chi[33]. Bản Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế in năm 1944, Văn Cao tự nhận mình là "Người sông Ngự", ghi: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!". Lời bài hát được đề là của Văn Cao, Hoàng Thoái và Phạm Duy cho rằng Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao[33]. Sử dụng ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ, Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc, vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Năm 2001, khi phim Người Mỹ trầm lặng được thực hiện, Thiên Thai được sử dụng làm nhạc nền của bộ phim. Giống như Thiên Thai, Trương Chi cũng dựa trên tích chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Ca khúc này còn một đoạn lời nữa mà các ca sĩ thưởng không trình diễn: Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ, Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ.... Hình ảnh Trương Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao.

Tác phẩm Mùa xuân đầu tiên

Bài chi tiết: Mùa xuân đầu tiên (bài hát của Văn Cao)

Nhạc cách mạngsửa

Xem thêm: Tiến quân ca

Xem thêm: Trường ca Sông Lô

Ngay từ khi còn trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, Văn Cao đã viết các ca khúc hướng đạo khoẻ khoắn. Cũng giống như các nhạc sĩ tiến chiến khác, Văn Cao sử dụng đề tài lịch sử để thể hiện tình ái quốc trong Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang... Ngoài Tiến quân ca, ông còn sáng tác các hành khúc khác như Tiến về Hà Nội, Thăng Long hành khúc ca. Tham gia Việt Minh, Văn Cao sáng tác các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam...

Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết trường ca Sông Lô, ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Phạm Duy viết: "Đó là tác phẩm vĩ đại... chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc". Cũng theo ý kiến của Phạm Duy, Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam[34].

Sau năm 1954, các ca khúc của Văn Cao, trừ Tiến quân ca, không được trình diễn ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam, các ca sĩ hàng đầu của Sài gòn như Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thành vẫn trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Ca khúc Không quân Việt Nam được sử dụng làm bài hát chính thức của Không lực Việt Nam Cộng hòa mặc dù chưa được phép của tác giả.