1. Từ rất sớm một lòng theo cách mạng
Đồng chí Cù Văn Chước sinh ngày 18 tháng 1 năm 1928 tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, và mất ngày 30 tháng 6 năm 2007 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi, cái tuổi được coi là “ẩn tuổi” của Bác Hồ, người mà ông đã phụng sự suốt đời.
Tham gia cách mạng từ rất sớm, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, khi mới 18 tuổi, đồng chí Cù Văn Chước đã tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Năm 20 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, công tác ở Huyện ủy, rồi làm Thư ký cho Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Hạ Hòa, rồi được điều về công tác ở Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ. Như vậy, ngay từ những bước chân đầu tiên trên đường đời, đồng chí đã chọn con đường theo Đảng, theo cách mạng và được Đảng tin cậy.
Thế nhưng, chỉ đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp “thần thánh” của dân tộc, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mở “trường học lớn”, chỉ thị tổ chức Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) để rèn luyện thế hệ trẻ, tạo thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến và phục vụ trực tiếp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thì đó mới chính là cơ hội thử sức cho đồng chí Cù Văn Chước. Năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập, Bác Hồ cử đồng chí Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng, ông Tạ Quang Chiến - Đội trưởng đội 36 phụ trách an ninh - xây dựng - hậu cần khu ATK Trung ương, thì đồng chí Cù Văn Chước được giao phụ trách hậu cần, làm Chủ nhiệm cung cấp cho toàn đoàn.
Đầu năm 1954, Đoàn TNXP được chỉ thị phục vụ trực tiếp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ chính là mở đường cho bộ đội, cũng như vận chuyển lương thảo, vũ khí ra mặt trận, và bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn bộ chiến dịch. Sau chiến dịch này, Đoàn TNXP còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trong khác, trong đó có việc thực hiện chỉ thị của Bác Hồ mở một con đường chiến lược từ biên giới Lai Châu - Vân Nam (Trung Quốc) về thị xã Lai Châu (dài gần 100km). Toàn bộ việc hậu cần cho các hoạt động trên của Đoàn TNXP đều do đồng chí Chước đảm nhiệm. Là người phụ trách hậu cần của hàng chục ngàn người trong suốt nhiều năm song đồng chí luôn là người liêm khiết, minh bạch, không bị lợi ích vật chất cám dỗ. Đó cũng là một trong phẩm chất mà sau này, đồng chí được tổ chức tin cậy, giao cho nhiệm vụ chăm lo cuộc sống hàng ngày của Bác Hồ.
2. Những tháng ngày tận tụy bên Bác
Sau ngày Thủ đô giải phóng, giữa tháng 10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ về Hà Nội. Từ chối ngôi nhà Phủ Toàn quyền sang trọng, Bác Hồ chọn ngôi nhà 1 tầng xây gạch, sàn nhà lát gỗ, nằm phía bên trái Phủ Chủ tịch, gần hồ nước, vốn là nơi nghỉ tạm của những người thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền cũ (nay gọi là nhà 54), làm nơi ở cho mình.
Năm 1956, khi đang làm Chủ nhiệm cung cấp của Tổng đội TNXP (tức Đoàn TNXP), đồng chí Cù Văn Chước được cấp trên điều về nhận nhiệm vụ mới ở Văn phòng Chủ tịch nước (có mật danh là Cơ quan 41). Sau mấy tháng phụ trách Nhà khách Phủ Chủ tịch, đồng chí được các đồng chí Phan Mỹ - phụ trách Văn phòng và Vũ Kỳ - Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm việc tại phòng Văn thư, trực tiếp phục vụ Bác Hồ trong công việc và đời sống hàng ngày. Cũng từ Đoàn TNXP về làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước, ngoài các đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước còn có các đồng chí Vận, Lãm, Quỳnh… Cán bộ phòng Văn thư có khoảng trên 10 người, làm mọi công việc phục vụ Chủ tịch điều hành đất nước. Văn phòng tiếp nhận, phân loại và chuyển giao tài liệu tới các cơ quan có trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc các công việc có liên quan, trình Bác rồi trả lời các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra là các công việc như trực ban, làm vườn, làm bếp, lái xe… Phòng Văn thư còn trực tiếp phục vụ Bác làm việc, hội họp, tiếp khách… Bác không có gia đình riêng, do vậy những cán bộ, nhân viên làm việc ở đây như là những người thân trong gia đình với Bác. Đồng chí Chước là một trong những người như thế.
Khoảng cuối năm 1957, việc làm một ngôi nhà khác để Bác Hồ ở và làm việc được đặt ra. Việc thiết kế ngôi nhà được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Ninh (1908-1975), quê ở Đông Kinh, Lạng Sơn, Kiến trúc sư tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương làm việc ở Cục Thiết kế, Bộ Kiến trúc đảm nhiệm. Theo yêu cầu của Bác, đó phải là một ngôi nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào Việt Bắc, có thể nhìn ra ao cá trong vườn. Việc thi công ngôi nhà được giao cho đơn vị bộ đội thuộc Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần quân đội, trong vòng hơn 1 tháng, từ đầu tháng 4/1958 đến giữa tháng 5/1958 thì hoàn thành. Trong thời gian làm nhà sàn, đồng chí Chước được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, đôn đốc và đáp ứng các yêu cầu của việc thi công. Đồng chí đã làm việc rất tích cực, không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với kiến trúc sư và đơn vị thi công để ngôi nhà sớm được hoàn thành. Ngày 15/5/1958, ngôi nhà khánh thành, mọi việc đều khiến Bác Hồ hài lòng. Hai ngày sau, ngày 17/5/1958, Người chính thức chuyển sang ngôi nhà mới. Cũng từ đó, ngôi nhà đã đi vào lịch sử với tên gọi “Nhà sàn Bác Hồ”.
Sau này, đồng chí Chước còn vinh dự là người trực tiếp theo dõi, đôn đốc và đáp ứng các yêu cầu của đơn vị thi công một công trình quan trọng khác tại Phủ Chủ tịch, đó là công trình Hầm 66 (xây dựng năm 1966). Công trình Hầm 66 dành cho Bác (và cả các đồng chí Trung ương khác đến gặp Bác) tránh bom trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đối với Khu nhà làm việc của Bác ở Đá Chông - Ba Vì (có mật danh K9), đồng chí Chước tuy không trực tiếp trong Ban chỉ đạo thi công, nhưng vẫn thường xuyên được đồng chí Vũ Kỳ ủy nhiệm đến kiểm tra, trao đổi với đơn vị thực hiện để công trình đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trong những năm 60, đồng chí Chước được cấp trên phân công làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Văn thư, kiêm Bí thư chi bộ cơ quan. Đồng chí đã cùng anh em tận tụy phục vụ Bác Hồ cho đến khi Người qua đời (9-1969). Một trong những công việc quan trọng mà đồng chí trực tiếp phục vụ đó là việc tổng hợp tin tức và trực tiếp đọc sách, báo, điểm tin cho Bác.
Từ năm 1962, sức khoẻ của Bác Hồ bắt đầu giảm sút, đồng chí Chước và đồng chí Lê Hữu Lập được phân công đọc báo, tổng hợp tin tức, đề xuất ý kiến về các vấn đề báo chí nêu để Bác xem xét. Công việc này cần trình độ tri thức tổng hợp, sự nhạy cảm nắm bắt được đúng và đủ những thông tin hợp yêu cầu của Bác. Đồng chí Lập về sau chuyển sang Văn phòng Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng nên một mình đồng chí Chước đảm nhiệm toàn bộ công việc điểm tin đọc báo phục vụ Bác Hồ.
Hàng ngày, thông thường đồng chí làm tin, báo phục vụ Bác hai lần: Trước giờ nghỉ trưa và sau bữa cơm chiều. Bác nghe trực tiếp tin tức trên radio bằng nhiều thứ tiếng. Bác đọc các bản tin do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng gửi đến từ sáng sớm mỗi ngày. Phần đồng chí Chước, đọc và lựa chọn những tin tức bài viết quan trọng từ các bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và các báo địa phương. Khi đọc có tin hay, Bác nói đưa mọi người cùng đọc. Bác theo dõi tình hình chiến sự ở hai miền Nam - Bắc rất sát sao. Khi cần làm việc với các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo và đồng chí Vũ Kỳ thường giao cho đồng chí Chước liên hệ, nêu yêu cầu và trực tiếp liên lạc để đón lên làm việc với Bác. Buổi tối, đồng chí Chước cũng thường đọc sách cho Bác nghe.
Sách Bác đọc có nhiều thể loại và từ nhiều nguồn khác nhau. Sách của tác giả, của nhà xuất bản gửi biếu Bác, sách của những cá nhân và tổ chức nước ngoài gửi tặng Bác qua Bộ Ngoại giao hoặc các đoàn của ta đi công tác… Thời gian cuối đời, Người nghe đồng chí Chước đọc cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII (Tác giả: Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968). Chính Bác đã khen ngợi hai tác giả qua đồng chí Cù Văn Chước: “Không biết hai cô chú này có phải vợ chồng không mà viết tâm đắc thế?”
Đồng chí Chước cũng là người được Bác giao cho nhiệm vụ cắt những bài báo phản ánh về gương người tốt việc tốt dán thành từng chuyên đề gương chiến đấu, sản xuất, thiếu nhi học giỏi dũng cảm... Sau này, Bác chỉ đạo đồng chí Hà Huy Giáp, Phan Hiền in thành các tập sách Người tốt việc tốt.
Những ngày cuối cùng của đời mình, Bác Hồ vẫn đọc báo và nghe đọc báo. Trên bàn làm việc của Người ở nhà sàn cũng như ngôi nhà Người chữa bệnh và qua đời vẫn còn nguyên chồng báo Người đang xem. Đó là những tờ báo xuất bản vào thời điểm tháng 8 và tháng 9 năm 1969. Đây cũng là những ngày vô cùng sôi động của cách mạng cả hai miền. Miền Nam tin chiến thắng ròn rã. Miền Bắc với khí thế quyết giành vụ mùa thắng lợi và sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến. Hội nghị Pari về Việt Nam tiếp tục diễn ra căng thẳng… Tất cả những tin tức đó đều được báo chí phản ánh kịp thời và được Bác theo dõi đều đặn. Có tới 29 tờ báo Bác đã đọc và nghe trong thời gian cuối đời. Người trực tiếp đọc báo cho Bác nghe trong những ngày này là đồng chí Chước và đồng chí Trần Văn Vượng. Các đồng chí chỉ dừng việc đọc báo cho Bác nghe từ sau ngày 24/8/1969, khi Bác đã quá mệt, rồi một tuần sau đó Bác đi về “cõi người hiền” (2/9/1969).
Một công việc quan trọng và thường xuyên khác mà bộ phận văn phòng đảm nhiệm đó là chăm lo sức khỏe và đời sống thường nhật cho Bác Hồ. Việc chăm sóc sức khỏe của Bác do các bác sĩ đảm nhiệm, nhưng việc chăm lo bữa ăn hàng ngày và các sinh hoạt khác thì đồng chí Chước phụ trách, có việc phân công cho người khác, có việc đồng chí trực tiếp làm. Mọi thứ mua về đều được kiểm tra và bảo quản sao cho hợp vệ sinh. Trong việc ăn uống, Bác Hồ rất giản dị, nhất là những năm tháng ở chiến khu. Nhưng từ khi về Hà Nội, do có điều kiện hơn nên bữa ăn của Bác đã được cải thiện rất nhiều. Với trách nhiệm chăm lo trực tiếp đời sống cho Bác, đồng chí Chước đã cùng với các đồng chí Đinh Văn Cẩn, Đặng Văn Lơ (sau này được phân công sang phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng) tìm mọi cách nâng cao chất lượng bữa ăn cho Bác, đảm bảo cho Bác ăn ngon miệng, để có đủ sức khỏe gánh vác việc dân việc nước.
Hàng tuần, vào mỗi tối chủ nhật, Văn phòng còn tổ chức để Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem phim tại phòng khách Phủ Chủ tịch. Bác lại muốn có các cháu thiếu nhi (thường là con em cán bộ văn phòng) xem cùng, thế nên đồng chí Chước thường cùng anh em nhau bàn bạc chọn phim, chọn người chiếu phim, tìm người phiên dịch ở Bộ Ngoại giao nếu chiếu phim nước ngoài. Đồng chí Chước còn cùng với đồng chí Chiêm bên cảnh vệ bàn và thực hiện việc cấp giấy mời để quản lý người vào xem, phân công phục vụ, thu xếp chỗ ngồi cho phù hợp với từng đối tượng. Sau mỗi lần xem phim hay xem biểu diễn văn nghệ, theo chỉ thị của Bác, các đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước còn phải chuẩn bị kẹo để Bác chia cho các cháu.
Có thể nói, việc quản trị đời sống ở Văn phòng Phủ Chủ tịch cơ bản do đồng chí Chước đảm nhiệm. Các khoản thu chi của Bác (trừ sổ tiết kiệm do đồng chí Lê Hữu Lập giữ), gồm lương, phụ cấp đại biểu Quốc hội, nhuận bút, hóa đơn, chứng từ…, tất cả đều do đồng chí Chước quản. Các chứng từ bao giờ đồng chí Chước cũng là người kiểm tra cuối cùng trước khi báo cáo lên lãnh đạo. Cứ 6 tháng một lần, đồng chí báo cáo tổng hợp tài chính chi tiêu trong quỹ lương của Bác. Mọi việc đều chỉn chu, ngăn nắp. Các giấy tờ sổ sách ghi lại công việc này hiện nay còn lưu giữ thường có chữ ký của đồng chí Chước, đúng với vai trò một “Quản gia” của Bác Hồ.
3. Góp công xây dựng bảo tàng, gìn giữ di sản Bác Hồ
Sau khi Bác Hồ qua đời, cùng với đồng chí Vũ Kỳ và một số cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước trước đó, đồng chí Cù Văn Chước tiếp tục được vinh dự gắn bó cuộc đời mình với Bác Hồ, bằng việc đảm nhận nhiệm vụ mới: Gìn giữ và phát huy di sản của Bác. Đồng chí được giao nhiều chức vụ quan trọng như Phụ trách Văn phòng Ban Quản lý xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh (1969-1977), Chánh Văn phòng (1977-1979) rồi Trưởng Ban Nghiệp vụ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1979-1982), Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1983-1987), Phó Giám đốc (1988-1990) rồi Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990-1999).
Ngay từ đầu những năm 1970, Trung ương Đảng đã có chỉ thị về việc giữ gìn và phát huy di sản của Người bằng việc tiến tới thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và hình thành hệ thống bảo tàng, di tích và khu tưởng niệm Hồ Chí Minh trong cả nước.
Nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những ngày đầu là khẩn trương tiến hành việc đạc họa, chụp ảnh, kiểm kê, bảo quản toàn bộ hiện vật và di tích có liên quan đến Bác Hồ trong khu vực Phủ Chủ tịch; Quy hoạch các khu vực trong di tích cần bảo vệ… Các văn bản kiểm kê di sản Bác Hồ hiện còn lưu giữ đều có chữ ký xác nhận của đồng chí Chước và chữ ký nhận bàn giao nhập kho bảo tàng của đồng chí Lưu Quang Lập.
Đồng chí Chước cũng trực tiếp phụ trách việc đo đạc chính xác ngôi Nhà sàn Bác Hồ, phục vụ cho việc làm một ngôi nhà khác thay thế, để ngôi nhà thật được bảo quản tại một nơi an toàn, tránh sự đánh phá của bom Mỹ. Sau này (sau năm 1975), những số liệu đo đạc ấy còn dùng làm mô hình cho Nhà sàn Bác Hồ ở Quân khu V (cũng do đồng chí Chước tham gia chỉ đạo thực hiện), để đồng bào miền Trung có cơ hội được nhìn thấy ngôi nhà của Bác.
Những hiện vật và di tích có giá trị lịch sử, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tại khu vực Phủ Chủ tịch đã được bảo quản và lập hồ sơ khoa học và đó chính là cơ sở để Khu Di tích Phủ Chủ tịch chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 15/5/1975.
Năm 1979, kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, hưởng ứng sáng kiến của Bộ Thủy sản, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cùng với Bộ Thủy sản và Bộ Nông nghiệp phát động phong trào “Vườn quả Bác Hồ”, “Ao cá Bác Hồ” trong toàn quốc và lấy Vườn quả, Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch làm hình mẫu. Đồng chí Chước là người thay mặt Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với hai cơ quan trên tổ chức thực hiện. Đó quả là một phong trào xã hội rộng lớn, có ý nghĩa kinh tế và giáo dục ở nước ta cuối thập kỷ 70 và cả thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Cũng trong những năm 1978-1979, khi Trung Quốc gây căng thẳng và tiến hành chiến tranh biên giới, đồng chí Chước cũng là người trực tiếp tổ chức tốt việc đóng gói và vận chuyển an toàn gần 300 hòm hiện vật quý của Bác Hồ tới nơi bảo quản an toàn.
Về việc xây dựng Công trình Lăng (1973-1975) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (1985-1990), đồng chí Cù Văn Chước với vai trò, trách nhiệm của mình, đã cùng với đồng chí Vũ Kỳ, Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ góp phần tích cực cho sự thành công của hai công trình đặc biệt quan trọng này. Trong suốt gần hai mươi năm xây dựng các công trình Lăng và Bảo tàng, đồng chí Chước đã làm việc hết sức mình, chú ý lắng nghe ý kiến của chuyên môn và hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thi công để hai công trình đạt chất lượng cao. Đặc biệt, với công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí Chước có những đóng góp trực tiếp và to lớn hơn. Là một trong những người trong Ban Phụ trách xây dựng (do đ/c Đỗ Mười làm Trưởng Ban), đồng chí Chước liên tục được cử đi về giữa Liên Xô và Việt Nam, làm việc với các chuyên gia Liên Xô về kiến trúc, thiết kế và trưng bày bảo tàng, lo nhập khẩu máy móc, kỹ thuật; hợp tác chặt chẽ với các đơn vị như Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Bộ Kiến trúc, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia kỹ thuật phụ trách thi công công trình, lắp đặt thiết bị để công trình Bảo tàng đạt chất lượng cao nhất và kịp tiến độ.
Năm 1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành. Đây cũng là năm đồng chí Cù Văn Chước chính thức thay thế người đàn anh của mình, đồng chí Vũ Kỳ, làm giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Như vậy, không chỉ là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng Bảo tàng, đồng chí Chước còn là người tiếp nhận chức vụ, mà cũng là trách nhiệm trực tiếp cao nhất của một cơ quan chuyên trách việc trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản Bác Hồ kính yêu.
4. Trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Với cương vị làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trong suốt 9 năm (1990-1999), đồng chí Cù Văn Chước - con người đã trung thành, tận tụy với Bác Hồ, càng có nhiều điều kiện hơn để đóng góp sức mình cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ di sản và làm sáng danh Bác. Trong nhiệm kỳ Giám đốc của mình, đồng chí Chước gần như không xem nhẹ bất kỳ mặt công tác nào trong 6 mặt công tác bảo tàng, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, kiện toàn Hội đồng khoa học và chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyên môn dài hạn. Đồng chí cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều chuyến sưu tầm tài liệu và hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô ở nước ngoài, như ở Liên Xô (1991), Trung Quốc (1997), Pháp… Những cống hiến của đồng chí Chước là toàn diện, trên nhiều mặt, tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh đến 2 đóng góp lớn nhất của đồng chí, đó là: 1. Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu tiên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh; và 2. Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xây dựng giúp nước bạn Lào xây dựng Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản thành công, khánh thành đúng tiến độ thời gian.
Về đóng góp thứ nhất, có thể khẳng định đồng chí Chước là một trong những người có công lớn nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo dựng lớp cán bộ đầu tiên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sự thực, ngay từ những ngày đầu với vai trò: Phụ trách công tác hành chính của Ban Nghiệp vụ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, rồi Phó Viện trưởng, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng bộ cơ quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí Chước đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành đội ngũ cán bộ này.
Trong những ngày đầu, Trung ương đã phân công về Viện bảo tàng Hồ Chí Minh những cán bộ khoa học có chuyên môn giỏi trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, kỹ thuật, khoa học xã hội, mỹ thuật… để làm nòng cốt, nền tảng cho công tác nghiên cứu, gìn giữ và phát huy di sản Hồ Chí Minh. Đội ngũ đó theo thời gian cứ đông dần lên, với trình độ chuyên môn cao hơn, sát thực hơn với công tác nghiên cứu và nghiệp vụ của bảo tàng. Vai trò của đồng chí Chước trong vấn đề này từ chỗ là người chấp hành chỉ đạo của cấp trên để xây dựng đội ngũ cán bộ, giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt để các cán bộ chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng, đến chỗ phụ trách trực tiếp và toàn diện việc xây dựng và phát triển đội ngũ này. Bản thân đồng chí không được trải qua các cấp đào tạo có hệ thống về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng, nhưng đồng chí có tâm huyết với Bác Hồ, với sự nghiệp phát huy di sản của Bác, có năng lực tổ chức giỏi nên đã có công trực tiếp tạo ra nhiều lớp cán bộ chuyên môn cho bảo tàng. Tổng cộng, từ khi Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập cho đến năm 1990, khi công trình Bảo tàng khánh thành, đã có hơn 90 cán bộ trình độ đại học và trên đại học được đào tạo để phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản Hồ Chí Minh. Dấu ấn của đồng chí Chước trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ này là rất lớn, cụ thể ở việc tham gia lập kế hoạch, xin chỉ tiêu đào tạo, đặt quan hệ với các đối tác trong nước và nước ngoài để hợp đồng đào tạo, lựa chọn những người cụ thể gửi đi học, chăm lo, hỗ trợ các điều kiện học tập và sắp xếp, sử dụng cán bộ chuyên môn… Vai trò đó còn được thể hiện rõ hơn và mang tính quyết định kể từ khi đồng chí chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng, dấu ấn của đồng chí Chước không hoàn toàn chỉ là ở số lượng cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo, ở trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, mà còn ở tình cảm và lòng kính yêu Bác Hồ, trách nhiệm đối với nghề nghiệp, với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản của Bác. Bởi đó cũng chính là những phẩm chất của đồng chí Chước để từ đó trở thành tấm gương sáng cho mọi cán bộ, đảng viên trong cơ quan học tập và noi theo.
Về đóng góp thứ hai, có thể khẳng định đồng chí Chước là người có công đầu trong việc giúp nước bạn Lào xây dựng Bảo tàng vị lãnh tụ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản. Việc xây dựng công trình này diễn trong những năm 1992-2000, đúng khoảng thời gian đồng chí Chước làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bởi thế, đồng chí càng có điều kiện dành nhiều tâm huyết của mình cho công trình, với tinh thần: “Giúp bạn là mình tự giúp mình” mà hơn ai hết, đồng chí là người ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy đó của Bác Hồ.
Công trình Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản bắt đầu được thực hiện từ năm 1992 do Việt Nam giúp Lào xây dựng (với kinh phí trước sau khoảng 3 triệu USD), trong đó Bảo tàng Hồ Chí Minh được sự phân công của Trung ương, trực tiếp là của Bộ Văn hóa - Thông tin, chủ yếu đảm trách nội dung trưng bày và đào tạo cán bộ, với các nhiệm vụ cơ bản: Giúp Bạn sưu tầm tài liệu hiện vật về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, về cách mạng Lào hiện có tại Việt Nam; Giúp Bạn đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn phục vụ cho hoạt động của bảo tàng; Giúp Bạn xây dựng ý tưởng trưng bày, chuyển giao kinh nghiệm tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phía Bạn gặp rất nhiều hạn chế, do vậy Bảo tàng Hồ Chí Minh, dưới sự dẫn dắt của đồng chí Chước, đã khéo léo thuyết phục cấp trên, đồng thời quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua cả những giới hạn của nhiệm vụ được giao ban đầu để giúp Bạn. Những đóng góp của Bảo tàng Hồ Chí Minh do đồng chí Chước lãnh đạo đối với Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản không chỉ dừng lại ở công tác chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo, mà còn có cả kinh phí và thiết bị phục vụ trưng bày, không chỉ dừng ở mức “chuyển giao kinh nghiệm”, mà còn thực sự bắt tay vào thực hiện, với sự hoạt động tích cực của các cán bộ, chuyên gia của Bảo tàng Hồ Chí Minh do đồng chí Chước trực tiếp lựa chọn và đích thân chỉ đạo.
Trong lịch sử đối ngoại của Bảo tàng Hồ Chí Minh, việc giúp nước Bạn Lào xây dựng thành công và khánh thành đúng thời gian Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản là thành quả lớn nhất. Thành quả ấy có được dưới thời đồng chí Chước làm Giám đốc và cũng chính là người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả này.
5. Một cuộc đời, một tấm lòng tận trung vẹn nghĩa với Bác Hồ
Từ sau năm 1999, đồng chí Cù Văn Chước nghỉ hưu, song không vì thế mà đồng chí thôi gắn bó với sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản Bác Hồ. Cho đến nhiều năm sau, theo lời hẹn với các đồng nghiệp trẻ, đồng chí vẫn kiên trì, thường xuyên đến cơ quan giúp việc xác minh, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ hiện vật về Bác Hồ.
Đến đây, nhìn lại những cống hiến của đồng chí Cù Văn Chước, từ những ngày đầu tôi luyện trong “trường học lớn” là Đoàn TNXP do Bác Hồ sáng lập, trải qua những năm tháng trực tiếp phục vụ, chăm lo cho Bác từ bữa ăn, giấc ngủ, tiếp khách, hội họp, đến những năm đứng đầu cơ quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, và cả đến những năm cuối đời, có thể khẳng định đồng chí Cù Văn Chước đã dành trọn cuộc đời mình, đã hiến dâng tấm lòng tận trung vẹn nghĩa của mình cho Bác Hồ.
Đi sau và kế tục bậc đàn anh tiền nhiệm Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước là một trong những người cuối cùng của thế hệ những người đã vinh dự được sống và trực tiếp phục vụ Bác Hồ, đồng thời là một trong những người có công đầu trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy di sản của Bác, cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Do điều kiện chiến tranh và phục vụ Bác Hồ, đồng chí Cù Văn Chước không có thời gian được cử đi đào tạo bài bản, ông trưởng thành trong thực tiễn công tác. Bằng trí thông minh và sự cầu thị, ông tự học ngay trong đường đời và học chính ở vị lãnh tụ mình được phục vụ. Do vậy, dù không có bằng cấp cao, nhưng ông quản lý cơ quan khoa học hết sức suôn sẻ bằng chính cái Tâm, cái Tầm, cái Tài, cái Tình của mình.
Sinh ra và lớn lên từ một làng trung du nghèo, được nuôi dưỡng bởi truyền thống văn hóa - lịch sử của vùng quê rừng cọ - đồi chè, ven con sông Cái quanh năm nặng đỏ phù sa, đồng chí Cù Văn Chước được mang đậm dấu ấn: “Trọng tình, trọng người” của quê hương Đất Tổ. Dấu ấn đó theo ông đi suốt cuộc đời và cho đến hôm nay, khi ông về với Tổ tiên, tiếp tục đi theo phục vụ Bác Hồ ở thế giới bên kia, ông vẫn là tấm gương sáng về mọi mặt:
- Nghiêm túc, tận tụy, chỉn chu với công việc;
- Cân nhắc cẩn trọng trong lời nói và việc làm;
- Luôn cầu thị lắng nghe, tôn trọng, khuyến khích và quan tâm tới mọi người;
- Và hơn nữa, ông là tấm gương thủy chung với gia đình, dòng họ và quê hương Hạ Hòa - Phú Thọ.
Hôm nay nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông, chúng tôi đã tập trung về đây để cùng tưởng nhớ tới ông - người đồng chí, người thủ trưởng mẫu mực và kính mến./.