Trần Duy Quý

Wiki Media
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý sinh năm 1948 tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Năm 1996, ông được phong học hàm Phó giáo sư, năm 2002 nhận học hàm Giáo sư.
z3500477951934-938e47d6bf4bd6fe8043aa0e76f812c0-1700271776.jpg

1. Tiểu sử

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nên từ nhỏ Trần Duy Quý đã gắn bó nhiều với người nông dân và đồng ruộng. Nhưng ông cũng là người có khả năng học Toán rất tốt. Khi lựa chọn trường để thi đại học, ông Quý có ý định học ngành Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; ngành Vô tuyến điện của trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc ngành y học để không phải làm nông nghiệp.

2. Học tập

Khi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội (tháng 11-1966), ông lại bị chuyển sang lớp thí điểm Sinh học thực nghiệm của khoa Sinh học. Ban đầu ông không thích ngành này nhưng sau có sự động viên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tiến sĩ khoa học Phan Phải nên ông đã chấp nhận theo học.

Tốt nghiệp Đại học ông Quý được giữ lại trường làm giảng viên ngành Di truyền học, khoa Sinh học. Tháng 1-1971, ông quyết định chuyển sang công tác ở tổ Đột biến, Viện Sinh vật học, Viện khoa học Việt Nam để chuyên tâm cho việc nghiên cứu. Năm 1975, ông Quý được phân công phụ trách tổ di truyền, Viện Khoa học Việt Nam. Ông đã đề xuất tăng cường nhân lực gồm kỹ s Vũ Đức Quang; Kỹ sư Lê Đình Hùng; Kỹ sư Nguyễn Thị Khương. Khi đó, ông Nguyễn Phúc Giác Hải là phụ trách phòng. Giữa năm 1975, ông Quý đi công tác ở miền Nam. Trên hành trình ấy, ông đã mang theo rất nhiều giống lúa, rồi vào liên hệ với các trại thực nghiệm ở Thủ Đức, Long An tiế tục gieo trồng, chọn lọc. Tháng 9- 1977, do vợ không thể vào Nam cùng nên bắt buộc ông phải trở ra Bắc, mang theo các giống lúa về.

3. Sự nghiệp

Tháng 9-1978, ông là cán bộ trẻ nhất trong 9 nhà khoa học Di truyền học của nước ta được vinh dự sang Liên Xô tham dự Hội nghị Di truyền học quốc tế lần thứ 14. Sau chuyến đi này, ông Quý về áp dụng cấy các giống lúa DT1, MT1, MT4, Tám thơm Thái Bình, tám thơm Mễ Trì ở 3 xã Tân Phong, Quế Phong, Thanh Lãng của tỉnh Vĩnh Phúc, người dân thường gọi là giống ông Kiệm (bố đẻ của ông Quý). Ban đầu giống lúa DT1 vẫn để tên MI nhưng theo ý kiến của thầy Phan Phải đề xuất ông nên chuyển thành DT (di truyền) để gần gũi hơn với đơn vị nghiên cứu.

Từ cuối những năm 80, đời sống nhân dân còn khó khăn, giống lúa DT10 được ông và Tiến sĩ khoa học Phan Phải nghiên cứu cùng các cộng sự thí nghiệm ngay tại quê nhà Vĩnh Phúc. Kết quả giống lúa DT10 đạt 200 kg/sào, trong khi giống lúa Nông nghiệp 8 chỉ đạt 140 kg/sào. Đó là niềm vui không thể kể xiết đối với nhà khoa học trẻ Trần Duy Quý lần đầu tiên ứng dụng những nghiên cứu của mình về cho quê hương. Sau thành công vang dội tại Việt Nam, giống lúa DT10 của Giáo sư Quý đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Có nơi, như Iraq, năng suất giống lúa DT10 đạt tới 11 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7-8 tấn ha. Nhờ sự thành công của giống DT10 mà năm 1995, Viện Di truyền nông nghiệp Việt nam vinh dự được Tổ chức Đầu tư phát triển nông nghiệp Châu Á tặng giải thưởng về các giống lúa đột biến có năng xuất cao. Phần thưởng này là sự ghi nhận những thành tựu mà Giáo sư Trần Duy Quý cùng các cộng sự của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đạt được giúp đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người nông dân.

DT10 trồng mở rộng từ 1990-2005 trên nhiều tỉnh của các nước. Giống này làm bánh đa, bánh, bún, rượu rất tốt vì năng suất cao. Sau đó từ DT 10, ông Quý cùng các cộng sự nghiên cứu, lai tạo tiếp DT 11; DT 10 với 203 ra giống DT 13; DT12, DT 16, DT 33. Tháng 6-1990, giống DT10 đã được công nhận đặc cách chính thức lên giống chuẩn quốc gia.

4. Các công trình nghiên cứu

Bên cạnh các giống DT thì ông cũng nghiên cứu một số giống lúa siêu năng suất như: VS1, Sơn Lâm 1, BQ. GS Trần Duy Quý cho biết, hiện tại diện tích lúa lai của Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo trồng lúa. Tuy nhiên, lượng giống lúa lai sản xuất trong nước chỉ khoảng 30%, 70% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc. Điều đó càng thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu để có những giống lúa đột phá, năng suất cao thay thế giống lúa nhập ngoại ở các nước.

5. Thành tựu

Năm 1993, sau khi nhận tấm bằng Tiến sĩ tại Liên Xô, ông Trần Duy Quý được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (1993-2006). Ông chủ trương phải tạo ra giống siêu lúa thuần để thay lúa lai. Cuối cùng, GS Trần Duy Quý đã làm được khi nghiên cứu thành công giống lúa thuần siêu năng suất: NPT3, NPT4, NPT5 (New Plan type- kiểu cây mới), năng suất từ 9-11 tấn/ha. Ngày 5-12-2016, giống siêu lúa NP3 Hoa phượng đỏ do ông và hai con trai (Trần Duy Dương, Trần Duy Vương) nghiên cứu được công nhận giống chuẩn quốc gia sau 3 năm thử nghiệm.

Ông Quý cho biết thêm, do có nghiên cứu chuyên sâu về ngành nên ông được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Viên Long Bình, GS Khrus, người đề ra thuyết siêu lúa superise năm 1980. Chính điều đó làm ông tự tin, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu nên tỉ lệ các giống lúa đưa ra thử nghiệm thường thành công. Thời gian công tác ở Viện Di truyền nông nghiệp, ông Quý và các cộng sự đã nghiên cứu thành công các giống nếp DV2, MT1, MT4, NN2298, DT 22, DT10; DT11; DT13; DT33; A20; DT122; DCM1, DT37.

Sau khi nghỉ điều hành, ông tiếp tục nghiên cứu VS1 (đã bán bản quyền cho Công ty Giống cây trồng Trung Ương); Sơn Lâm 1 (Công ty Sơn Lâm); BQ (CT Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình); QP 5 (Công ty giống cây trồng miền Trung); Vass 16 (QJ 4) (Công ty Giống cây trồng TW); NPT3 (Giống cây trồng Hải Dương); Đặc biệt là NPT5 (giống được xuất khẩu sang Châu Phi) với đặc điểm vượt trội năng suất siêu cao, thơm, cơm cứng phù hợp nhu cầu của người dân Châu Phi. Để có được thành công ấy, Giáo sư Trần Duy Quý chia sẻ “có đến 99% là mồ hôi và nước mắt, chỉ có 1 % là may mắn”.

6. Liên kết ngoài

https://vietnamhoinhap.vn/vi/gstskh-tran-duy-quy-tu-tam-tri-lam-nen-38385.htm

https://meddom.org/cac-mau-lua-cua-gstskh-tran-duy-quy-va-cong-su-cmlcgtdqvcs/

https://nongthonvaphattrien.vn/gstskh-tran-duy-quy-nha-khoa-hoc-tan-tuy-voi-nong-nghiep-nong-dan-va-nong-thon-a190.html

https://dantri.com.vn/giao-duc/gs-tskh-tran-duy-quy-noi-tien-si-giay-cung-khong-oan-1393885891.htm

https://laodong.vn/photo/vuon-lan-bac-ty-tai-tang-thuong-ngoi-nha-giua-long-thu-do-900323.ldo

https://vanhoavadoisong.vn/gs-tskh-tran-duy-quy-thi-truong-lan-var-ngay-cang-phat-trien-soi-dong-a11839.html

https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=17060

https://vanhoavaphattrien.vn/vi-sao-gs-tran-duy-quy-tham-gia-dau-gia-nguon-gen-hoa-lan-dot-bien-gay-quy-phong-chong-covid19-a2150.html

https://danviet.vn/vu-ban-giong-lua-la-cho-dan-o-ha-noi-gs-tran-duy-quy-toi-bi-mao-danh-20210701225841447.htm

https://vtc.vn/vi-giao-su-say-sua-voi-cay-lua-viet-ar331104.html